Món Ngon Bắc Ninh - Tham Quan Du Lịch Bắc Ninh

Món Ngon Bắc Ninh

 16 Món Ngon Đặc Sản Bắc Ninh

1. Gà Hồ – Mòn Ngon Bắc Ninh

Gà Hồ là giống gà quý hiếm bậc nhất, đứng đầu trong 5 giống gà tiến vua ở Việt Nam. Gà Hồ được nuôi sống chủ yếu ở làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gà Hồ có thịt chắc, thơm ngon, đang được người dân làng Lạc Thổ chăn nuôi theo mô hình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Gà Hồ thịt được nuôi khoảng từ một năm rưỡi đến hai năm tuổi. Hiện Nay, giá gà Hồ thương phẩm giao động từ 400.000-500.000đồng/kg. Những con gà có cân lặng từ 5-6 kg sẽ được bán giá từ 500.000 đồng trở lên. Giá khá cao so với giá gà thịt khác, nhưng nếu chúng ta muốn mua cũng phải đặt trước từ tháng giêng, bởi số lượng không có nhiều.

Thịt gà Hồ chỉ cần đem luộc, ăn cùng muối tiêu chanh sẽ cảm nhận trọn vẹn độ ngọt của thịt, độ giòn của da, đặc biệt tỉ lệ mở ít. Ngoài ra, bạn có thể hầm thuốc bắc, gà trộn, gà quay đều ngon. Đến làng Hồ để nếm thử thịt gà chính gốc và mua về làm quà biếu nhé.

Đặc biệt, hình ảnh gà hồ chính là nguồn cảm hứng sáng tác của các nghệ nhân dòng tranh dân gian Đông Hồ. Con gà trong tranh Đông Hồ biểu hiện cho sự đại cát, sung túc, vinh hoa phú quý, thịnh vượng và an lành.

  • Địa chỉ: Làng Lạc Thổ, thị trấn Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh.

2. Bò tơ hấp cuốn bánh tráng

Món bò tơ hấp vừa chín đến để giữ được độ ngọt tự nhiên, thái mỏng cuốn cùng bánh tráng và dứa, bún, rau sống, khế chua, chấm vào bát mắm nêm sánh đặc được cắt vài lát ớt. Món ngon ăn hoài không thấy chán, đảm bảo cực tốn mồi. Bởi món ăn dân giả đặc trưng của vùng đất kinh bắc. Thịt bò được lấy từ thịt bò tơ  được chọn rất kỹ lưỡng từ 5-6 tháng để đảm bảo độ mềm , thịt ngọt và thơm.

Người sành ăn, sẽ lót một lá bánh phở trắng ngần trên nền bánh trang dai mềm mỏng tang, cho vào ít rau thơm, vài thanh dứa vàng ươm, cà rốt đỏ rực, dưa chuột xanh giòn, đặt vào giữa 1 – 2 lát thịt bò tơ mỏng, cuộn nhẹ nhàng, dùng kèm mới mắm nêm đặm vị. Cắn một miếng bò tơ cuốn bánh tráng, cảm nhận độ dai giòn, mềm mại, tươi non của lớp nhân bên trong sẽ thấy cái nóng bức của mùa hè bị xua đi nhanh chóng.

  • Địa Chỉ; Nhà Hàng Yên Phong, khu bờ hồ Yên Lãng, Xã Yên Trung, Huyện Yên Phong.

3. Ốc Phù Lưu – Món Ngon Bắc Ninh

Làng Phù Lưu ở thị xã Từ sơn được biết đến là điểm dừng chân với các quán ốc ngon. Đến đây, du khách được phục vụ các món từ ốc chất lượng tuyệt hảo. Ốc to và tươi rồi được chế biến sạch lên làm món gì cũng rất ngon và đậm đà . Hấp dẫn không kém là loại nước chấm ốc lạ miệng, cay nhưng khiến người ta chỉ muốn ăn tiếp không nghỉ. Hãy thử một lần đến Phù Lưu, gọi ngay dĩa ốc nóng hổi và thưởng thức ngay thôi!

Ốc thì nơi nào cũng có, nhưng món ăn ngon ở Từ Sơn Bắc Ninh này lại mang đến hương vị riêng ngon khó có thể diễn tả. Đến đây vào buổi tối sẽ có rất nhiều hàng quán bán ốc để lựa chon. Tất cả các loại ốc từ to đến nhỏ đều rất tươi, được chế biến sạch sẽ với nhiều món ngon chỉ cần đi qua là hương thơm ngào ngạt không thể cưỡng lại nổi. Ốc chấm cùng nước mắm sánh kẹo đủ vị, giá cả lại mềm thoả sức ngồi lai rai.

  • Địa Chỉ; Làng Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.

4. Thịt Chuột Đình Bảng

Đình Bảng Bắc Ninh vốn nổi tiếng với món thịt chuột trứ danh. Món ăn này được yêu thích đến nỗi xuất hiện trong cả những mâm cỗ ngày cưới. Những con chuột đồng sau khi bắt về được làm sạch, thui vàng và chế biến thành những món đa dạng như: thịt chuột nướng, chuột đồng nấu đậu, chuột xào sả ớt, chuột chua ngọt

Người Đình Bảng thường dùng chó hoặc rơm hun khói để bắt chuột. Cách này giúp họ thu được chuột còn sống, không bị gãy chân hoặc chết lúc người dân thu gom. Đây là món ngon được dùng quanh năm, nhưng sau mỗi mùa gặt thì thịt chuột béo ngậy, thơm ngon hơn cả

Từ thịt chuột có thể chế biến được nhiều món ngon khác nhau như món chuột nấu đông, chuột giả cầy, chuột rán, chuột xào … Khiến không ít người phải ứa nước miếng khi các món được bày ra trước mắt. Nhưng có lẽ, ngon nhất và phổ biến nhất vẫn là món thịt luộc ép lá chanh. Người dân Bắc Ninh còn cho rằng ăn thịt chuột rất lành.

Nếu có dịp đến với Đình Bảng và chưa từng một lần thưởng thức đặc sản của quê hương Kinh Bắc. Bạn hãy nếm thử các món ngon từ thịt chuột, chắc chắn sẽ nghiền và muốn ăn lại lần hai.

  • Địa chỉ: Phường Đình Bảng, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh..

5. Cháo cá Tích Nghi

Bắc Ninh không chỉ nổi tiếng bởi những văn hóa truyền thống phong phú mà còn bởi ẩm thực vô cùng đa dạng. Người Bắc Ninh sành ăn nên những đặc sản nơi đây cũng dễ dàng được lòng du khách thập phương. Trong đó, món cháo cá Tích Nghi là một trong những món ăn được yêu thích vào mùa đông.

Đây không chỉ là món ăn được người dân xứ Kinh Bắc yêu thích mà khách du lịch cũng tìm đến rất đông để được thưởng thức. Những ngày trời đông muốn tìm một món ăn làm ấm cơ thể thì đây là gợi ý lý tưởng. Bát cháo nóng hổi với thịt cá chép được chiên vàng dai dai, ăn vào không bị tanh hay khô. Cháo cho thêm chút hành hoa, rưới thêm mắm ớt húp xì xụp khó mà có thể dừng.

Cháo cá Tích Nghi chính gốc là quán ở phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh. Cháo cá Tích Nghi thường có giá từ 30.000 – 50.000 đồng/bát. Cháo được phục vụ cả ngày nhưng đa phần người dân ở đây sẽ dùng để ăn sáng thay cho bún, phở.

  • Quán cháo cá Tích Nghi 108 Thiên Đức, phường Vệ An, thành phố Bắc Ninh.

6. Cháo thái Bắc Ninh 

Cháo thái Đình Tổ là món ăn gắn liền với sự tích Trạng nguyên Lê Văn Thịnh khi về đến làng Đình Tổ. Từ đó đến nay, món ăn này có mặt trong các dịp lễ lớn của làng và dần trở thành nét độc đáo mà không nơi nào khác có được.

Cháo thái Đình Tổ được làm từ bột gạo xay khô nhào với nước rồi được nắm thành cục to. Nước dùng là nước luộc gà, thịt lợn cho thêm thịt gà, thịt lợn… bắc trên bếp cho thật sôi. Sau đó, người nấu dùng dao thái cục bột ra thành từng lát mỏng, khi cháo chín, cho hành hoa, hạt tiêu, mắm, muối vừa ăn là được.

Người làng Đình Tổ thưởng thức món ăn này cũng theo cách đặc biệt. Thay vì dùng thìa thì những đôi đũa lại là sự lựa chọn hàng đầu. Cháo thái – đặc sản Bắc Ninh – ăn nhẹ bụng mà rất ngon. Húp từng thìa cháo sẽ thấy mùi thơm béo của nước dùng, cay nồng hạt tiêu và đậm đà gia vị, thoang thoảng hành hoa, nhất là cái mịn như tan trong miệng của gạo xay.

Khi thưởng thức cháo thái, bạn sẽ được nghe những sự tích liên quan đến lịch sử ngôi làng Đình Tổ gắn liền với bát cháo dân dã, bình dị này. Và ăn cháo thái là nhớ về lịch sử và cội nguồn dân tộc.

7. Bún làng Tiền

Nghề làm bún ở làng Tiền có hàng trăm năm nay, đời này kế tiếp đời kia. Để thương hiệu sản phẩm, người làng Tiền đã kỳ công chọn gạo không dính, không hẩm và không hề pha chế bất kỳ loại bột nào. Nước làm bún phải sạch và phù hợp bắt nhịp cùng khí hậu theo chu kỳ thời gian trong năm. Vì vậy bún làng Tiền có ở khắp các nơi như Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn, Thái Nguyên,…

Hiện nay, toàn xã có khoảng 600 hộ làm nghề sản xuất bún. Mỗi ngày cung cấp cho thị trường trên 7 nghìn tấn bún, bánh các loại. Không ngừng đổi mới công nghệ. Nâng cao năng suất và chất lượng, nhiều hộ gia đình đã đầu tư máy móc, cải tiến công nghệ. Hiện xã Khắc Niệm có 60 hộ sử dụng máy làm bún công suất lớn.

Những năm qua, chính quyền địa phương luôn có những chính sách khuyến khích phát triển hoạt động làng nghề. Năm 2009, UBND xã đã phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam xây dựng dự án xử lý nước thải làng nghề sản xuất bún trên diện tích 2.000 m² với công suất thiết kế: 400m³/ ngày – đêm. Đến nay, công trình đã đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước. Đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng cao của người dân.

  • Địa Chỉ; Làng Tiền, xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh.

8. Phở gan cháy – Món Ngon Bắc Ninh

Phở gan cháy Bắc Ninh là món ăn sáng quen thuộc đối với nhiều thế hệ ở vùng quê Kinh Bắc. Món phở lạ miệng với nước dùng đậm đà cùng với thịt, tim, cật,… và đặc biệt là miếng gan cháy độc đáo. Món ăn hấp dẫn mời gọi lữ khách phương xa đến thưởng thức

Phở gan cháy có thể lạ lẫm với nhiều người nhưng lại là món ăn quen thuộc đối với người dân ở Bắc Ninh. Đến đây du lịch mà muốn tìm món ăn sáng ngon thì đừng ngần ngại tìm ngay đến quán phở gan cháy để thưởng thức. Món ăn đặc sản thơm ngon mà lại còn bắt mắt đảm bảo ai ăn thử cũng đều phải mê.

Nếu có dịp ghé qua thành phố Bắc Ninh bạn nhất định phải tìm để thưởng thức món ăn ngon độc đáo này. Nguyên liệu làm món ăn này rất đơn giản, chỉ có bánh phở, thịt thăn lợn thái mỏng xào sơ và gan lợn sau đó chan nước dùng ninh từ xương. Nhưng điều đặc biệt nhất chính là miếng gan đen đen đã được áp chảo. Bên ngoài giòn bên trong vẫn rất mềm đảm bảo ăn thử đều không thể quên.

9. Nem Bùi Ninh Xá

Nem làng Bùi ở xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh. Nem Bùi là món ăn chơi nổi danh ở Kinh Bắc có truyền thống lâu đời. Những chiếc nem thính tuy nhìn đơn giản nhưng muốn ăn ngon trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Nem cuốn ăn cùng lá sung hay lá đinh lăng, chấm nước mắm hay tương ớt tuỳ thích, ngày hè nhậu cùng ly bia thì thật là đã.

Nem bùi Ninh Xá là món ăn truyền thống đơn giản, dân dã. Nem Bùi hấp dẫn thực khách gần, xa bởi hương vị thơm ngon nức tiếng vùng Kinh Bắc. Nhiều người tìm mua, thưởng thức nem Bùi vì cảm nhận nét văn hóa ẩm thực độc đáo được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Khi thưởng thức, thực khách có thể tận thưởng được vị bùi, béo, thơm ngon với giá thành bình dân. Nem bùi được chế biến từ thịt heo, muối, tiêu, đường, bột ngọt, kèm theo đó là các loại lá sung, lá chuối, lá đinh lăng, thính,…

Khi thưởng thức nem bùi với một chén rượu nếp sẽ làm dậy lên hương vị của nem. Bạn cảm nhận sự cay nóng ở cuống họng, vị chua chua, cay cay rất đặc biệt. Nem sử dụng trong ngày là ngon nhất, nếu để trong tủ lạnh thì được 2-3 ngày. Thực khách có thể tìm mua nem Bùi ở Bắc Ninh. Nổi bật là dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ – Thuận Thành đi Hải Dương đâu đâu cũng thấy biển hiệu bán nem Bùi.

10. Bánh khúc làng Diềm

Làng Diềm không có ai nhớ bánh khúc xuất hiện từ bao giờ. Nhưng người ta truyền tai nhau bánh có từ thời Vua Bà, cùng lúc với sự xuất hiện của các làn điệu Quan họ. Từ đó, nghề làm bánh khúc được gìn giữ qua nhiều thế hệ cho đến hôm nay. Bánh khúc làng Diềm được làm thủ công hoàn toàn. Mỗi chiếc bánh đều được lựa chọn nguyên liệu kỹ càng, chú trọng từng thao tác. Lớp vỏ bánh được làm từ gạo tẻ Khang Dân hoặc 203 để đảm bảo độ dẻo vừa phải.

Gạo ngâm nước khoảng 3, 4 tiếng rồi xay nhuyễn, sau đó mang ráo bột. Nếu bột khô, bánh sẽ rắn, nếu bột nhão quá bánh sẽ nát. Sau khi ráo nước, bột được nắm thành từng nắm nhỏ rồi chần qua nước sôi, khâu này tạo độ dẻo cho bánh. Bánh có 2 loại nhân là nhân đậu xanh và nhân thịt. Bánh khúc nóng hổi thơm ngào ngạt, xôi bọc bên ngoài ăn không bị khô ai đã ăn thử ở đây đảm bảo đều sẽ bị “nghiện”.

Bánh khúc làng Diềm không chỉ độc đáo về hương vị, màu sắc mà còn chứa đựng cái tình của người Quan họ. Những cái bánh ngọt thơm đã đi sâu vào tiềm thức của những người con sinh ra trên mảnh đất Kinh Bắc và giờ đây còn được lưu truyền rộng rãi đến mọi miền tổ quốc.

11. Bánh Tẻ Làng Chờ

Bánh tẻ là một trong những món ăn đặc trưng có thể tìm thấy ở nhiều nơi của vùng quê Bắc Bộ và bánh tẻ làng Chờ cũng là món ăn ngon ở Bắc Ninh tiêu biểu. Mỗi khi ăn loại bánh dân dã này bạn sẽ cảm nhận được hương vị của làng quê xứ Kinh Bắc. Bánh gói lá dong thơm mùi đặc trưng, bột bánh trắng hoà quyện với nhân thịt, mộc nhĩ.

Chiếc bánh tẻ nhỏ nhắn, dân dã hòa quyện tinh tế hương vị tự nhiên và sự khéo léo của người làng Chờ. Tạo thành món ăn dân dã mà vô cùng hấp dẫn của vùng quê Kinh Bắc. Bánh tẻ không phải loại bánh lạ, nhưng với bánh tẻ làng Chờ, thì đặc biệt thơm ngon. Những chiếc bánh được gói trong lá dong nhỏ, chỉ to chừng 2 ngón tay nhưng mỏng vỏ, nhiều nhân thơm phức luôn là điểm thu hút của món ăn này.

Hiện nay, ở thị trấn Chờ, có gần 20 gia đình sản xuất, kinh doanh bánh tẻ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Đặc biệt, nhiều nhà từ chỗ làm phạm vi gia đình đã mở rộng quy mô sản xuất.

12. Bánh Tro Đình Tộ

Khi nhắc đến các loại bánh dân giã miền quê Bắc Bộ thì không thể không nhắc đến bánh tro. Bánh tro có ở nhiều nơi, mỗi nơi lại có cách làm và bí quyết riêng. Và bánh tro Đình Tổ là một trong những loại bánh đậm chất quê Bắc Bộ được nhiều thực khách xa gần biết đến khi về thăm quê hương quan họ Bắc Ninh.

Bánh tro Đình Tổ được làm từ gạo nếp, nước tro, một ít vôi. Bánh được gói bằng lá chuối hột hoặc lá dong, thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại. Bánh gói xong đem luộc chín, phía dưới cùng của nồi luộc thường được lót một lớp lá dong già cho khỏi bén và thêm đậm hương. Bánh chín khi bóc ra lộ nguyên hình trong suốt một màu có thể nhìn xuyên thấu, đụng tay vào núng nính mềm mại như khối thạch.

Người dân Đình Tổ làm bánh họ biết điều tiết nước ngâm để bánh đỏ như mặt trời trông rất đẹp, hấp dẫn. Bánh tro cắt ra từng miếng nhỏ nhẹ nhàng chấm vào bát mật mía vàng óng, thơm phức. Bánh tro Đình Tổ tạo nên nét đặc sắc riêng của vùng đất cổ Luy Lâu giàu văn hóa, đậm đà nghĩa tình.

Bánh tro thường bán nhiều nhất vào dịp Tết cũng như các dịp Lễ quan trọng khác. Nguyên liệu để làm bánh cũng rất đơn giản, chỉ cần có bột nếp, nước tro và mật mía. Những chiếc bánh nhỏ xinh ăn vào ngọt nhẹ, thanh thanh là món ăn yêu thích của biết bao thế hệ của người dân nơi đây.

13. Bánh đa Kế – Món Ngon Bắc Ninh làm quà

Bánh đa Kế là món quà mang đậm vị quê của xứ Kinh Bắc. Để làm được chiếc bánh đa ngon phải xay từ loại gạo cũ cùng với cơm nguội. Sau đó tráng 2 lần để bánh có độ dày và khi nướng sẽ giòn hơn. Bánh đa những chiếc to như cái mâm, đầy vừng và có màu vàng xém xém. Ăn bánh đa cảm nhận tình cảm đậm đà của người dân quan họ Bắc Ninh.

Nghề làm bánh đa xuất hiện ở làng Kế đã hơn 600 năm. Được lưu truyền từ đời này nối tiếp đời kia cho đến ngày nay. Ở làng Kế người dân làm bánh đa quanh năm, ngoại trừ những ngày mưa, bánh đa không thể phơi được, phải đem sấy khô thì bà con làm ít hơn.

Từ những nguyên liệu chính trên quê hương như lạc, vừng, gạo nếp,… bằng phương thức truyền thống. Những người làng Kế đã tạo ra sản phẩm ẩm thực đặc trưng của quê hương mình. Để làm ra chiếc bánh, mỗi gia đình có một công thức riêng và phải thực hiện qua nhiều công đoạn tỉ mỉ

Để Chiếc bánh thành phẩm thuyết phục được cả những thực khách khó tính nhất. Bánh đa Kế đạt được độ giòn không bị chai, cứng, màu vàng trải đều mặt bánh, thơm mùi của lạc phảng phất chút vị của khoai lang.

  • Địa chỉ: chợ Đọ, đường Nguyễn Cao, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh

14. Tương Đình Tổ – Món Ngon Bắc Ninh làm quà.

Tương Đình Tổ là món ăn dân dã, thức quà đậm chất đồng quê Bắc Bộ. Nghề làm tương ở làng Đình Đỗ có từ lâu đời, là nghề truyền thống từ xa xưa. Nguyên liệu để làm tương bao gồm ngô, đỗ tương, gạo nếp cái hoa vàng. Tất cả được ủ và lên men tự nhiên không sử dụng bất cứ hóa chất nào. Để có mẻ tương ngon người chế biến phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ.

Đầu tiên phải chọn ngô đỏ, đỗ tương và gạo nếp đều phải là loại hảo hạng, hạt to đều. Ngô sau khi được phơi khô sẽ được đồ chín rồi ủ lên men. Đỗ tương rang chín cho vào chum sành, đổ nước cho ngập và ngâm. Trong quá trình ngâm, ủ người ta phải thường xuyên kiểm tra, khuấy đều, vớt bỏ bọt để tương có độ sánh, mịn đạt tiêu chuẩn.

Chính màu của ngô đã tạo nên sắc vàng nâu cho tương. Mùi thơm của nếp cái hoa vàng hòa quyện mùi thơm của đỗ tương rang tạo nên hương vị. Độ dẻo của nếp làm cho tương thêm sánh đặc, mịn và béo ngậy. Do quá trình lên men tự nhiên trong nước chín. Có tỉ lệ muối cụ thể nên tương Đình Tổ có độ ngọt tự nhiên, độ mặn vừa phải. Tất cả tạo cho tương ăn có giá trị dinh dưỡng riêng, dùng chấm rau luộc, thịt lợn, thịt bò, dùng kho cá, kho thịt…

  • Địa chỉ: chợ Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh

15. Bánh Phu Thê Đình Bảng – Món Ngon Bắc Ninh làm quà

Bánh phu thê Đình Bảng không chỉ là một phần của văn hoá mà còn góp mặt trong hầu hết những mâm cỗ, lễ của những dịp quan trọng. Bánh phu thê Đình Bảng ngon nhất với hương vị dẻo thơm khó cưỡng. Bánh chuẩn có màu vàng hổ phách, thấy được cả phần nhân đậu xanh, dừa nạo sợi bên trong.

Bánh phu thê Đình Bảng có sự hòa quyện của lớp vỏ và phần nhân. Vỏ bánh được làm bằng gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp xay thành bột, cô đặc lại để hơn một tuần mới đem trộn đường trắng. Đu đủ xanh nạo sợi và hương liệu như tinh dầu chuối, va ni, hương cốm cùng nước quả dành dành. Nhân bánh được làm bằng đậu xanh đãi sạch vỏ, đồ chín, giã nhuyễn trộn với đường trắng, nước cốt dừa và dừa nạo.

Do bánh được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau nên người làm bánh thường phải tỉ mỉ trong từng khâu.  Khi gói, người ta còn quết lên lá một lớp mỡ để khi bóc bánh ăn không bị dính. Sau khi gói, bánh được luộc chín, vớt ra buộc từng cặp bằng 1 chiếc lạt hồng. Chiếc bánh phu thê đạt tiêu chuẩn là khi thưởng thức người ta sẽ thấy được màu vàng trong của bánh, nhìn thấu những sợi đu đủ bên ngoài lớp vỏ. Khi ăn, cảm nhận hương thơm, dẻo từ gạo nếp, dai giòn của đu đủ, béo bùi của đậu xanh, dừa, và vị ngọt của đường.

16. Bánh khoai Thị Cầu – Món Ngon Bắc Ninh làm quà

Bánh khoai Thị Cầu là một trong những món truyền thống ở phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Cứ đến độ tháng 10 hàng năm, khi thời tiết hanh hao là người dân bắt đầu làm bánh. Để làm ra những viên bánh ngon, người Thị Cầu phải rất kỳ công. Nguyên liệu chính là nếp cái hoa vàng, khoai sọ, rượu trắng và các vị thuốc Bắc.

Trước tiên phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng ngon. Gạo nếp được đãi sạch, ngâm một đêm rồi vớt để ráo nước. Sau đó gạo được đồ xôi 2 lần. Khoai sọ luộc chín, bỏ vỏ, phần lõi trắng ngần của khoai đem giã cùng xôi vừa đồ. Khi bột nhuyễn, mịn, sánh thì đổ ra và cán, cắt thành những viên nhỏ.

Những viên bánh sống được xếp trên giàn đem phơi thật khô, mất chừng 10 ngày. Mẻ bánh ngon hay không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu trời có gió bấc, hanh hao thì bánh khô nỏ, ăn sẽ giòn, xốp tan trong miệng. Bánh phơi khô đem thả sôi trong chảo dầu cho nở bung, xốp, giòn và ngả sang màu vàng nhạt là được. Tiếp đó cho vào chảo đường đun sôi, đảo đều, sao cho lớp đường mỏng phủ kín bề mặt.

Chiếc bánh thành phẩm cầm trên tay có mùi thơm dịu, cho vào miệng thưởng thức giòn rụm, vị ngọt thanh tan trên đầu lưỡi. Để không đơn điệu, người làm bánh kết hợp với các nguyên liệu tự nhiên tạo màu như quả gấc, củ dền… cho ra đời những mẻ bánh màu sắc, bắt mắt.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

Scroll
0922.679.889
 0922679889