Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh - Thăm Quan Du lịch Tại Bắc Ninh

Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

22 Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

1. Chùa Phật Tích – Bắc Ninh

Chùa Phật Tích (Phật Tích tự) còn gọi là chùa Vạn Phúc (Vạn Phúc tự). Là một ngôi chùa nằm ở sườn phía Nam núi Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Trong chùa có tượng đức Phật bằng đá thời nhà Lý lớn nhất Việt Nam. Chùa Phật Tích là một ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời của xứ Kinh Bắc.

Theo các tư liệu thì chùa Phật Tích Bắc Ninh được khởi công xây dựng vào năm Thái Bình thứ Tư, tức năm 1057 gồm nhiều toà nhà ngang dọc. Đến năm 1066, Vua Lý Thánh Tông đã cho xây thêm một ngọn tháp cao. Sau sự kiện ngọn tháp bị đổ lộ ra bức tượng A Di Đà bằng đá xanh nguyên khối dát vàng. Ngôi chùa đã được đổi tên thành Phật Tích và dời lên sườn núi để ghi nhận sự xuất hiện kỳ lạ này.

Hiện nay, chùa Phật Tích có 7 gian tiền đường để dùng vào việc đón tiếp khách. 5 gian bảo thờ Phật, đức A di đà cùng các vị tam thế. 8 gian nhà Tổ và 7 gian nhà thờ Mẫu,8 gian nhà Tổ. Chùa Phật Tích còn nổi tiếng với bức tượng Phật A di đà cao 27m nằm trên đỉnh núi. Đây là phiên bản được lấy nguyên mẫu từ tượng Phật A di đà trong chùa.

Khi hòa bình lập lại từ 1954 đến nay, chùa Phật Tích được khôi phục dần. Năm 1959, Bộ Văn hóa cho tái tạo lại 3 gian chùa nhỏ làm nơi đặt pho tượng A-di-đà bằng đá quý. Tháng 4 năm 1962, nhà nước công nhận chùa Phật Tích là di tích lịch sử-văn hoá

  • Địa chỉ: thôn Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh

2. Chùa Bút Tháp – Bắc Ninh

Chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) nằm ở bên đê hữu ngạn sông Đuống. Quanh chùa có dòng sông uốn lượn quanh co là khung cảnh vô cùng nên thơ. Chùa thuộc xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được vẻ đẹp sơ khai lúc ban đầu. Trong chùa có tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.

Chùa Bút Tháp là một ngôi chùa cổ với nét kiến trúc vô cùng độc đáo tại Bắc Ninh. Ninh Phúc tự được cho xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17 thời Hậu Lê. Kiến trúc xây dựng của chùa theo kiểu “Nội công ngoại quốc”.Tuy đã trải qua hàng trăm năm lịch sử nhưng chùa vẫn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính.

Kiến trúc xây dựng chính của chùa quay về hướng Nam. Theo đạo phật đây là hướng thể hiện trí tuệ. Chùa được xây dựng theo bày trí cân xứng chặt chẽ.

Khu trung tâm của tháp được xây dựng bao gồm 8 nếp nhà chạy song hành với một trục dọc theo mô hình đường thần đạo. Khu vực ngoài cùng tháp bút là Tam Quan, rồi đến Gác Chuông và các tòa thờ khác.

Bên trái của chùa là nơi thờ tự Chiết Tuyết và tháp đá Báo Nghiêm bao gồm 8 mặt và 5 tầng cao đến 13m. Dọc hai bên tòa Tiền Đường là hai nhà bia và hai dãy hành lang được xây dưng chạy dọc theo chiều dài của ngôi chùa.

  •  Địa chỉ: Bút Tháp, Thuận Thành, Bắc Ninh

3. – Chùa Đại Bi – Bắc Ninh 

Chùa Đại Bi hay còn được biết đến với tên gọi khác là chùa Tẩy hay chùa Tổ. Chùa tọa lạc tại thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa cổ có lịch sử lâu dài được xây dựng ở ngay gần bờ nam sông Đuống.

Theo các thư tịch cổ, ngôi chùa vốn được Huyền Quang cho xây dựng vào năm Quý Mão (1305). Chùa được xây dựng trên khu đất đẹp phía tây nhà nhân dịp về quê thăm cha mẹ và đặt tên là “Đại Bi tự”. Chùa Đại Bi đã qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, dấu ấn sớm nhất trên kiến trúc hiện nay là của thời Lê và Nguyễn. Ở trong khuôn viên của chùa còn có “đền thờ Tam Tổ” – nơi thờ tam vị Tổ của thiền phái Trúc Lâm là “Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang”.

Đến năm 1990 thì chùa Đại Bi (Bắc Ninh) đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu bổ cũng như tôn tạo nhưng chùa vẫn còn lưu giữ lại được những dấu ấn xưa cũ của dòng lịch sử thời Lê và Nguyễn

  • Địa chỉ: Lệ Chi Viên, Thái Bảo, Gia Bình, Bắc Ninh

4. Chùa Phúc Lâm – Bắc Ninh

Chùa Phúc Lâm là một ngôi chùa cổ được xây dựng vào đầu thế kỷ 18. Chùa nằm ở phía Tây thôn Tam Tảo, xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cho đến nay, chưa thật rõ thời gian khởi dựng, chỉ biết rằng lần trùng tu lớn đầu tiên đã cách đây khoảng 500 năm.

Chùa Phúc Lâm có hình chữ Sơn, tám mái, tám đao chiếu góc. Hai bên có hai dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian. Sau chùa là nhà Tổ 5 gian.

Ngôi tiền đường gồm 7 gian, 2 dĩ. Các cột và bộ khung mái được làm bằng gỗ lim chắc chắn. Các đầu đao của chùa được chạm trổ tinh xảo hình tứ linh, tứ qúy… Bên trong còn lưu giữ nhiều cổ vật qúy như tượng tam thế, bia đá, đôi nghê đá…Phía trước cửa chùa là cây hương cũng bằng đá, chưa xác định niên đại.

Trong khuôn viên chùa còn vườn tháp, cây đa cổ thụ, cổng tam quan. Trong vườn chùa còn có giếng rất đẹp. Trước chùa còn có Ngôi Đền hàng nghìn năm tuổi,chùa được trùng tu năm 2009,nhưng vẫn giữ được nét cổ xưa.

  • Địa chỉ: Phú Lâm, Tiên Du, Bắc Ninh

5. Chùa Dâu – Bắc Ninh

Chùa Dâu là một ngôi chùa nằm ở phường Thanh Khương, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Đây là trung tâm Phật giáo cổ xưa nhất của Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Diên Ứng tự, Thiền Định tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam. Chùa là một danh lam bậc nhất của xứ kinh Bắc xưa. Đây cũng là một di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam được xếp hạng đợt 4.

Chùa Dâu được khởi công xây dựng vào buổi đầu Công Nguyên. Vào cuối thế kỷ 6, nhà sư Tì-ni-đa-lưu-chi từ Trung Quốc đến chùa này, lập nên một phái Thiền ở Việt Nam. Chùa được khởi công xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226. Chùa được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử ngày 28 tháng 4 năm 1962.

Chùa được xây dựng lại vào năm 1313 và trùng tu nhiều lần qua các thế kỷ tiếp theo. Vua Trần Anh Tông đã sai trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi về kiến thiết lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Hiện nay, ở tòa thượng điện, chỉ còn sót lại vài mảng chạm khắc thời nhà Trần và thời nhà Lê.

Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử. Chùa Dâu là điểm đến của Phật tử cả nước. Du khách đến với chùa Dâu là về với đạo Phật và cùng chiêm ngưỡng những vẻ đẹp, giá trị mà ngôi chùa mang lại.

  • Địa chỉ: Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh

6. Chùa Phúc An – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

Chùa Phúc An là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Bắc Ninh. Chùa nằm tại thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Cách đây 600 năm đây là một vùng hoang vu, năm 1428 mới có người đến khai lập. Nơi đây là một vùng đất vô cùng màu mỡ, phì nhiêu. Nơi chứa đựng rất nhiều những truyền thuyết, huyền tích của lịch sử văn hóa dân tộc.

Chùa được xây dựng từ năm 1599 dưới thời vua Lê Trung Hưng. Tới năm 1951 ngôi chùa chỉ còn lại 5 gian nhà tổ sau một khoảng thời gian biến đổi lâu đời. Tiếp đến năm 1993 nhân dân nơi đây đã gom góp, ủng hộ và xây lại ngôi chùa để thắp hương, thờ phật. Sau khi trùng tu lại chùa Phúc An đã được mở rộng với quy mô lớn. Gồm có các tòa Tam Bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Tăng, nhà Khách, gác chuông, vườn tháp và các công trình phụ trợ.

Theo tương truyền rằng ngồi chùa này rất linh thiêng. Xưa kia đây chính là nơi đã che chở để cho vua lánh nạn an toàn. Và cũng bởi vậy sau khi thoát nạn nhà vua đã đặt tên cho vùng đất này là An Động.

Trải qua nhiều năm tháng thăng trầm cùng lịch sử, chùa cũng đã thay đổi rất nhiều do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu và đặc biệt là chiến tranh. Tuy nhiên với lòng tin tưởng và thờ kính hết mực nhân dân đã nhanh chóng tu sửa lại ngôi chùa theo đúng dáng vẻ truyền thống của nó.

  • Địa chỉ: nằm ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

7. Chùa Khúc Toại – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

Chùa Khúc Toại nằm trong thôn Khúc Toại, Xã Khúc Xuyên, Tp. Bắc Ninh, Tỉnh Bắc Ninh. Theo truyền thuyết, làng Chọi được tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghiêm cho xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê, vì vậy, trong chùa Khúc Toại ngoài thờ Phật còn thờ ông Nguyễn Thượng Nghiêm làm Hậu Phật.
Chùa được xây dựng từ lâu đời nhưng đến thời nhà Nguyễn mới được trùng tu và mở rộng với quy mô lớn. Tòa Đại đình có kiến trúc tường chữ Đinh mái chữ Công với những lớp mái đao cong uốn lượn mềm mại.
Dấu tích cổ và có giá trị nhất trong chùa Khúc Toại là quả chuông đồng cổ nhất xứ Kinh Bắc ghi tên chùa với niên đại Phúc Thái 6 năm 1648. Thân chuông khắc chữ Hán bài Tự kể về những danh lam cổ tích như tháp Báo Thiên, chùa Quỳnh Lâm, tháp Phổ Minh, chùa Phả Lại cùng bài Minh ca ngợi quê hương Khúc Toại trù phú.
Hàng năm, tại đây diễn ra hội đình ngày 6 tháng giêng âm lịch. Hội chùa diễn ra muộn hơn, vào ngày 14 tháng giêng âm lịch, tập trung những hội quan họ nổi tiếng xứ Kinh Bắc. Quần thể di tích đình chùa Khúc Toại với những giá trị lớn nhiều mặt về kiến trúc điêu khắc, cổ vật. Lễ hội không những là nét văn hiến đặc sắc của một làng nghề từng nổi tiếng trong dân gian. Chùa Khúc Toại đã góp phần làm nên nét văn hiến tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh.
  • Địa chỉ: nằm ở gần đường Đường Đê, xã Khúc Xuyên, tỉnh Bắc Ninh.

8. Chùa Dạm – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh 

Chùa Dạm là ngôi chùa cổ nằm trên núi Dạm thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Chùa thờ Phật và Nguyên Phi Ỷ Lan. Chùa còn có nhiều tên gọi: Chùa Dạm, Lãm Sơn, Cảnh Long Đồng Khánh, Thần Quang tự.

Theo thư tịch, sử sách như Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều hiến chương loại chí thì vào năm Quảng Hựu thứ nhất (1085). Nguyên phi nhà Lý Ỷ Lan khi dạo chơi Đại Lãm Sơn có ý định xây chùa.

Năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa. Năm sau, 1087, vua Lý Nhân Tông đến thăm ngôi chùa đang xây, mở tiệc, làm thơ “Lãm Sơn dạ yến”. Năm 1094 chùa Dạm mới hoàn thành, được vua ban tên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh. Năm 1105, lại xây ba tháp đá ở chùa Lãm Sơn.

Trải qua trường kỳ lịch sử, chùa được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa bị dỡ bỏ. Sau khi hòa bình lập lại, năm 1986, nhân dân địa phương xây dựng 3 gian chùa nhỏ trên nền đất cũ để thờ Phật.

Từ năm 2015 đến nay, dựa trên kết quả khảo cổ học và việc tham vấn ý kiến của chuyên gia, các nhà khoa học. Tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện việc quy hoạch tổng thể và xây dựng “khu di tích văn hóa và sinh thái núi Dạm”. Chùa Dạm được trùng tu tôn tạo, với quy mô to lớn, khang trang.

  • Địa chỉ: thuộc xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

9. Chùa Tiêu Sơn – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh 

Chùa Tiêu Sơn tự nằm trên núi Tiêu, thuộc xã Tương Giang , thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Cổ kính, rêu phong và ẩn chứa rất nhiều điều đối với du khách khi tham quan. Nơi lưu giữ những di sản văn hóa quý giá của vương triều Lý. Chùa là điểm thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Dựa theo sử sách, chùa Tiêu có từ thời Tiền Lê. Đến thời Lý đã là một trong những trung tâm Phật giáo lớn. Chùa bao gồm: chùa Thiên Tâm ở trên núi Tiêu và chùa Trường Liêu ở dưới núi. Quy mô chùa Tiêu xưa rất lớn, gồm có Viện Cảm Tuyền, Lầu Tiên Lĩnh, Tòa Thượng Điện. Chùa dưới núi còn gọi là chùa Lục Tổ. Chùa Lục Tổ tồn tại đến thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp mới bị phá hủy. Sau đó 3 pho tượng Tam Thế và chuông “Tràng Liêu tự chung” được chuyển lên chùa Tiêu

Thời Lê Trung Hưng, chùa Tiêu được trùng tu mở rộng với quy mô lớn theo kiểu chùa trăm gian, nên còn có tên là chùa “Trăm gian”. Đến thời Nguyễn, triều vua Bảo Đại, chùa tiếp tục được trùng tu và ghi lại trên câu đầu của toà Tam Bảo.

  • Địa chỉ: Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh

Gía Trị Kiến Trúc và Hiện Vật Của Chùa Tiêu Phúc 

Chùa gồm các tòa: Tam bảo, nhà Tổ, nhà khách, gác chuông và các công trình phụ trợ. Tòa Tam bảo làm theo lối kẻ truyền trụ giá chiêng, được dựng bằng bộ khung gỗ lim, chạm khắc đơn giản. Nhà Tổ, nhà khách và các công trình phụ trợ đều kiến trúc trạm khắc đơn giản. Tại nhà Tổ có pho tượng cổ Thiền sư Vạn Hạnh và ngai bài vị ghi rõ “Lý triều nhập nội Tể tướng Lý Vạn Hạnh Thiền sư thần vị. Đặc biệt, chùa Tiêu còn bảo lưu được 14 tháp cổ của các vị sư nổi tiếng từng trụ trì ở đây. Ngoài ra, trên đỉnh núi Tiêu còn có pho tượng Thiền sư Lý Vạn Hạnh cao khoảng 5m.

Chùa Tiêu hiện còn bảo lưu được một số cổ vật quý giá thời Lê, phản ánh về thời Lý như sau: 15 pho tượng Phật bằng gỗ chạm khắc đẹp, 01 pho tượng Thiền sư Lý Vạn Hạnh, 01 bia đá có tên “Lý gia linh thạch” ghi chép về lai lịch và công trạng của Lý Công Uẩn, 01 chuông đồng của chùa Trường Liêu, 01 bia đá có tên “Cúng điền bi kỷ” và nhiều câu đối, thơ ca, sấm ký…

Chùa Tiêu đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1991. Du khách về với khu di tích chùa Tiêu là tìm về những trang sử sống động tuổi ấu thơ của Lý Công Uẩn, bậc minh vương có công khai lập vương triều Lý và quốc gia Đại Việt.

  • Địa chỉ: Tương Giang, Từ Sơn, Bắc Ninh

10. Đền Bà Chúa Kho – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh 

Đền Bà Chúa Kho tọa lạc trên núi Kho thuộc khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Nơi đây thu hút hàng ngàn người đến lễ bái nhân dịp đầu năm mới. Không chỉ là địa điểm mang đậm ý nghĩa tâm linh, mà còn mang nhiều giá trị về lịch sử. Hàng năm, lễ hội đền Bà Chúa Kho thường được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Vào dịp này, người dân từ nhiều nơi đổ về dâng hương,
Đền bà Chúa Kho là một đền thờ Mẫu nằm tại vùng quê kinh Bắc nổi tiếng, lâu đời. Đền được xây dựng vào thời nhà Lý với mong muốn tưởng nhớ tấm lòng bao dung, cũng như những cống hiến to lớn của Bà cho dân tộc. Truyền thuyết về đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh luôn được người dân khắp nơi lưu giữ và truyền lại cho con cháu thế hệ đời sau như một di sản văn hóa quan trọng, quý giá.

Đền Bà Chúa Kho được công nhận và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1989. Đền Bà Chúa Kho không chỉ là một biểu tượng văn hóa quan trọng mà còn là nơi gắn kết tình cảm của người dân với lịch sử và truyền thống. Nơi đây là chốn tâm linh, hàng ngày thu hút hàng nghìn du khách trong nước và nước ngoài tới chiêm bái, tham quan, tìm hiểu lịch sử về văn hóa vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc.

  • Địa chỉ: Khu Cô Mễ – Phường Vũ Ninh – Thành Phố Bắc Ninh

11. Đền Đô – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh 

Đền Đô hay còn gọi là (Đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện), được xây dựng từ ngày 3 tháng 3 năm Canh Ngọ 1030. Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương. Dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha. Ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha, từ đó Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Sau này, đền được nhiều lần trung tu và mở rộng. Lần trùng tu lớn nhất là vào năm thứ 3 niên hiệu Hoằng Định của vua Lê Kính Tông (tức năm 1602), khắc văn bia ghi lại công đức của các vị vua triều Lý.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đã phá hủy nhiều di sản văn hóa ở Cổ Pháp. Năm 1952, quân Pháp dội bom, phá hủy hoàn toàn đền. Đến năm 1989, đền đã được khởi công xây dựng lại, theo đúng hình dáng và kiến trúc mà các nhà nghiên cứu lịch sử đã phác thảo, căn cứ vào dấu tích còn lại và các tài liệu lưu trữ.

  • Địa chỉ:  Làng Đình Bảng, xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh

12. Đền Thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu 

Đền thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu thuộc khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh. Đền được khởi dựng từ lâu đời, nhưng được trùng tu tôn tạo vào những năm gần đây. Đền còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá phản ánh về người được thờ. Đặc biệt là hai bia đá có tên “Phả lục tam vị thánh” niên đại Thành Thái 13 (1901) và bia có tên “Sự tích bi ký” niên đại Tự Đức 33 (1880). Nội dung ghi chép về người được thờ là Đô Thống Lê Phụng Hiểu và hai danh triều Lý.

Đền từ lâu đời còn nổi tiếng trong dân gian với lễ hội truyền thống. Lệ xưa, hàng năm cứ đến mùng 6-2 (âm lịch) đền lại được mở hội. Ngay từ mồng 5, dân làng tổ chức rước sắc phong từ điếm Trung Quân về đình và rước ngai kiệu từ đền sang đình để tế lễ. Đám rước sắc đầy đủ cờ kiệu, tàn lọng, siêu lọng, bát bửu, chiêng trống. Đến chiều ngày mùng 5 làm lễ “nhập tịch”.
Hiện nay, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích thờ tướng quân Lê Phụng Hiểu được người dân các làng xã hết sức quan tâm, góp phần tạo nguồn động lực cho sự nghiệp bảo vệ.
  • Địa chỉ: khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh

13.  Đình Bảng – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

Đình làng Đình Bảng hay còn có tên gọi khác là Đình Báng. Đình Bảng là một ngôi đình cổ xưa tọa lạc tại làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ngôi đình được khởi công xây dựng vào năm 1700 và mãi đến năm 1736 mới được hoàn thành. Đình Bảng chính là một trong những công trình cổ xưa có kiến trúc đẹp nhất Việt Nam .

Trong đình thờ 3 vị thần thiên nhiên đó là: Thần Đất – Cao Sơn đại vương, Thần Nước – Thủy Bá đại vương và Thần Trồng Trọt Bạch Lệ đại vương. Ngoài ra, đình là nơi thờ tự 6 vị có công lập lại làng vào thế kỷ 15. Cho đến năm 1948, khi thực dân Pháp phá vỡ đền Lý Bát Đế thì người dân đã tiếp nhận bài vị của tám vị vua triều Lý về thờ tại đình làng Đình Bảng.

Đình làng Đình Bảng là một công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn với kết cấu vững chắc theo kỹ thuật truyền thống với những hình khối hài hòa, tinh tế và thanh thoát. Ngoài ra, với nghệ thuật điêu khắc trang trí đặc sắc cũng giúp Đình Bảng trở thành ngôi đình tiêu biểu. Đình được đánh giá là một trong 3 ngôi đình đẹp nhất thời bấy giờ.

  • Địa chỉ: phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

14. Đình Đẩu Hàm – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

Đình Đẩu Hàn thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đình Đẩu Hàn được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) với quy mô lớn và còn để lại dấu ấn trên kiến trúc và điêu khắc. Đến thời Nguyễn, đình tiếp tục được trùng tu, tôn tạo và giữ nguyên kiến trúc đến ngày nay. Đình được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số1489/QĐ – UBND ngày 05/10/2009.
Đình có kiến trúc kiểu chữ đinh gồm Đại đình và Hậu cung. Tòa Đại đình có kiến trúc kiểu 4 mái đao cong. Bộ khung chịu lực bằng gỗ lim, gồm 6 bộ vì tạo thành 5 gian 2 chái. Mỗi bộ vì gồm 4 hàng chân cột, kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ ván mê bảy hiên”. Điêu khắc trang trí tập trung trên các bức cốn, đầu dư… với đề tài tứ linh, tứ quý, rồng ngậm ngọc. Hậu cung 3 gian nối liền và vuông góc với Đại đình. Các công trình của di tích đều trong tình trạng kỹ thuật tốt.

Giá trị của đình Đẩu Hàn còn được thể hiện ở lễ hội truyền thống. Vào hội, ngay từ mùng 9, đình đã được mở cửa để bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt Theo tục lệ hàng năm. Đến ngày mồng 10 chính hội, dân làng tổ chức rước các Thần từ các đền, nghè (nghè Bãi Mía và Bãi Nuôi) về đình làng để thờ phụng tế lễ và mở hội. Vật tế Thần là lợn đen chém thành 6 khúc. Sau khi tế xong, lộc được chia đều cho các giáp và các suất đinh.

  • Địa chỉ:Thôn Đẩu Hàn, phường Hoà Long, thành phố Bắc Ninh

15. Thành Cổ – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

 Thành cổ là công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự độc đáo, tiêu biểu của tỉnh Bắc Ninh. Thành cổ được xây dựng theo hình lục giác năm 1805 thời Vua Gia Long, triều Nguyễn. Thành cổ nằm trên địa phận các làng Ðỗ Xá, huyện Võ Giàng, làng Hòa Ðình, huyện Tiên Du, và làng Yên Xá, huyện Yên Phong. Tất cả các địa danh trên đều thuộc thành phố Bắc Ninh ngày nay. Sở hữu diện tích 545,00m3, tổng thể kiến trúc của Thành cổ Bắc Ninh mang hình lục giác. Trước đây, tường của Thành cổ Bắc Ninh được đắp bằng đất đá, sau này được thay bằng gạch đá. Xung quanh thành có hào nước sâu bao quanh.

Thành cổ Bắc Ninh hiện nay vẫn còn 4 cửa, ở mỗi cửa đều có cầu đi qua hào. Cổng Hậu ở phía Bắc, cổng tiền ở phía Nam, cổng Đông ở phía bên trái và cổng Tây ở phía bên phải. Khi bước vào bên trong cổng thành cổ, bạn sẽ cảm thấy choáng ngợp với những kiến trúc nổi bậc. Toàn bộ khuôn viên của Thành cổ hiện nay được quản lý bởi Trường Sĩ Quan Chính Trị – Bộ Quốc Phòng.

Ngày 24/1/1981, thành cổ Bắc Ninh được UBND tỉnh Hà Bắc ban hành Quyết định số 144/QĐ-UB xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. Ngày 29/3/2005, HĐND thành phố Bắc Ninh đã có Nghị quyết số 23/NQ-HĐND về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử thành cổ Bắc Ninh.

  • Địa chỉ: Làng Ðỗ Xá, huyện Võ Giàng, làng Hòa Ðình, huyện Tiên Du, làng Yên Xá, huyện Yên Phong

16. Thành Cổ Lũy Lâu 

Thành cổ Luy Lâu tọa lạc tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Thành cổ Luy Lâu mang trong mình giá trị lịch sử và văn hóa vô giá. Nơi đây không chỉ là điểm đến thu hút du khách mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương.

Thành cổ Luy Lâu được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Đây từng là kinh đô của nước Âu Lạc do vua An Dương Vương xây dựng sau khi dời đô từ Cổ Loa. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thành cổ Luy Lâu đã chứng kiến nhiều biến cố oanh liệt. Nơi đây từng là chiến trường diễn ra nhiều trận đánh khốc liệt để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Sau khi vua An Dương Vương mất nước, thành cổ Luy Lâu đã bị quân xâm lược phá hủy, chỉ còn lại những dấu tích.

Thành cổ Luy Lâu là trung tâm chính trị – kinh tế – văn hóa – tôn giáo đầu tiên những năm đầu Công nguyên. Trải qua năm tháng, địa điểm này không còn lưu giữ được nhiều hiện trạng ban đầu. Thành cổ Luy Lâu hiện nay còn lại rất ít di tích. Nhưng địa phương lại không đủ khả năng để tiến hành những dự án khảo cổ đối với khu di tích quan trọng này. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới việc Luy Lâu, một di tích đang dần quên lãng.

  • Địa chỉ: Xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh

17. Lăng Kinh Dương Vương 

Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được xây dựng tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành. Nằm ở sườn đê, cách dòng sông Đuống khoảng 500 m. Thời giặc Pháp kéo đến, khu Lăng bị tàn phá trơ trụi, đến năm 1971, nhân dân thôn Á Lữ đã quy hoạch và tôn tạo lại Lăng mộ Kinh Dương Vương. Năm 2000, một ngôi đền chung thờ các bậc Thủy tổ được phục dựng theo kiểu thức truyền thống.

Với những giá trị và ý nghĩa của khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ. Ngày 2/2/1993, khu di tích được Nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa Quốc Gia. Từ xưa đến nay, nơi đây đều mở hội để đồng bào trong và ngoài nước kết tụ, tưởng nhớ và tri ân công đức Tổ tiên. Thể hiện niềm tự hào dân tộc, củng cố đại đoàn kết huyết thống con Lạc, cháu Hồng. Vươn tới tương lai cùng nhau góp sức bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị thiêng liêng nhất của Việt Nam.

  • Địa chỉ: Á Lũ, Thuận Thành, Bắc Ninh

18. Văn Miếu – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

Văn Miếu Bắc Ninh là 1 trong 6 văn miếu ở Việt Nam. Văn Miếu Bắc Ninh có giá trị lịch sử, văn hóa, phản ánh truyến thống khoa bảng của vùng quê Kinh Bắc, qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước thuộc các triều đại phong kiến. Văn Miếu Bắc Ninh là niềm tự hào về truyền thống khoa bảng của quê hương và là một điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.

Văn Miếu Bắc Ninh được xây dựng trên núi Phúc Sơn, thuộc khu 10 phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh. Văn miếu được xây dựng trước thời Nguyễn, để thờ phụng và tế lễ “Đức Khổng Tử” và Tứ phối – các chư hiền của đạo Nho là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử. Tổng thể công trình Văn Miếu Bắc Ninh hiện nay gồm: Cổng Nghi môn, toà Tiền tế 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Hậu đường là 2 toà Bi đình 5 gian 2 dĩ, 2 bên hồi Tiền tế là 2 toà Tả vu – Hữu vu, tại sân chính giữa cổng Nghi môn và toà Tiền tế dựng bia bình phong.

Hàng năm, vào ngày rằm tháng Giêng, tại Văn Miếu tổ chức lễ dâng hương có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo tỉnh để tưởng niệm các bậc tiền nhân. Nơi đây cũng thường đón tiếp các Đoàn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế của tỉnh Bắc Ninh đến dâng hương, báo công sau mỗi kỳ thi.

  • Địa chỉ: Đại Phúc, Bắc Ninh

19. Lễ Hội Đền Vua Bà Bắc Ninh

Hàng năm, lễ hội đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ được làng Diềm (tức làng Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) tổ chức ngày 6 tháng giêng âm lịch. Lễ hội đền Vua Bà là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của làng Viêm Xá. Cũng là lễ hội Thuỷ tổ Quan họ duy nhất trong vùng Quan họ.

Hội làng Viêm Xá được bắt đầu với nghi thức mở cửa đền Vua Bà. Theo tuần tự, dân làng tổ chức lấy nước ở giếng Ngọc trong đền làm lễ rước nước quanh làng, qua đình làng, đền Cùng rồi lại quay về đền Vua Bà. Trong hành trình rước lễ, người dân và du khách được hoà mình vào không gian đằm thắm chất quan họ. Ngoài ao làng, nơi đền Cùng hay là đi vào trong làng, từ khắp các ngõ nhỏ,đâu đâu cũng vang lên những giai điệu đằm thắm của những bài quan họ.

Trảy hội Diềm là dịp để du khách hành hương về với cội nguồn Thủy tổ Quan họ. Khám phá cảnh sắc bình yên của ngôi làng Việt cổ, tham quan các di tích lịch sử văn hóa. Hội làng Viêm Xá trở thành điểm hẹn văn hoá của hàng nghìn lượt khách thập phương. Vừa duy trì được các mối quan hệ, giao lưu vốn có, vừa mở rộng giao lưu với Quan họ các làng lân cận.

  • Địa chỉ: làng Viêm Xá (Hoà Long-Yên Phong)

20. Đền Cùng Giếng Ngọc – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh 

Đền Cùng – Giếng Ngọc ở khu Viêm Xá, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh. Đền Cùng – Giếng Ngọc là chốn địa linh, hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa. Sự linh hiển của Đền Cùng đã nổi tiếng khắp dân gian từ lâu đời. Từ thời Tiền Lý, Tiền Lê, quan quân triều đình đánh giặc dọc tuyến sông Cầu. Đã đến chốn này cầu đảo và đều được ứng nghiệm đánh bại quân xâm lược.

Nằm giữa sân Đền Cùng là giếng Ngọc. Vào những ngày nóng bức, sau khi thăm quan và vào Đền dâng lễ, du khách thường không quên xin nước uống trong giếng Ngọc.

Giếng Ngọc có hình bán nguyệt. Rộng chừng 20m2, gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m. Nước giếng Ngọc màu xanh trong, có thể nhìn xuống tận đáy.

Để lấy nước, du khách phải để giày, dép trên bờ và đi chân trần xuống dưới. Nước múc lên từ giếng có thể uống trực tiếp mà không cần lọc hay đun sôi. Nước uống sẽ thấy vị mát lành và ngọt tự nhiên không đâu sánh được.

Dù được du khách và người dân trong vùng lấy về dùng nhiều nhưng từ trước đến nay, nước Giếng Ngọc chưa bao giờ cạn, thậm chí cả trong mùa hạn hán. Vào những ngày mực nước xuống thấp, du khách đến thăm viếng sẽ dễ dàng nhìn thấy ba “cụ cá thần” bơi lội trong lòng giếng.

  • Địa chỉ: thôn Viêm Xá, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh

21. Hội Lim – Địa Điểm Du Lịch Bắc Ninh

Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ, những sự tích văn hoá. Vì truyền thống này mà nơi đây sở hữu nhiều lễ hội dân gian. Lễ hội được nhiều người quan tâm nhất là Hội Lim. Chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Các nghi thức rước, tế lễ, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hoá Kinh Bắc.

Khâu chuẩn bị cho đến khâu cử hành nghi lễ thường sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 14 tháng giêng âm lịch. Trọng tâm của lễ hội sẽ được tiến hành vào buổi sáng ngày 13 tháng giêng âm lịch.

Trong chi tiết diễn biến của hội là sự trang nghiêm, những trò chơi dân gian như chọi chim, đấu vật, đánh đu,… Ngoài ra, hát hò và không gian sinh hoạt, trò chuyện vui vẻ thân thiết của người dân địa phương cũng náo nhiệt vô cùng.

Hội Lim đã trở thành nổi tiếng, được nhân dân khắp các vùng ca ngợi, truyền tụng:

Ba năm hai cái hội chùa,
Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai.
Già già, trẻ trẻ, gái trai,
Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem.
Hội Lim ai thấy chẳng thèm,
Tổ tôm, bài điếm, giò nem thiếu gì.
Đồn sắp có dệt cửi thi,
Cao lâu trăm thức thiếu gì thức ngon.

22. Lễ Hội Đồng Kỵ – địa điểm du lịch Bắc Ninh

Lệ hội Đồng Kỵ được tổ chức vào ngày 4, 5, 6 tháng giêng âm lịch tại làng Đồng Kỵ, xã Đồng Quang, thị xã Từ Sơn. Dòng người đông đúc với những chàng trai trong làng kéo quả pháo cùng với đoàn tế và du khách thập phương.

Lễ hội gắn liền với sự tích về Đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ. Trên đường dẹp giặc, Đức thánh đã về Đồng Kỵ tuyển quân, chọn tướng. Vào ngày mồng 4 tháng Giêng, ông ra lệnh xuất quân đánh giặc. Đức thánh Thiên Cương chia quân làm 4 tốp và giao cho 4 tướng chỉ huy. Trong buổi xuất quân, mọi người tổ chức đốt pháo hò reo, tạo không khí náo nhiệt, hào hùng để động viên quân sĩ. Khi dẹp giặc xong, Ngài trở về Đồng Kỵ mở hội ăn mừng. Để nhớ ơn, làng Đồng Kỵ thờ Ngài làm thần hoàng làng tại đình. Hàng năm mở hội thi đốt pháo, tái hiện ngày Đức thánh Thiên Cương ra lệnh xuất quân đánh giặc.

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ được tổ chức trong khuôn viên đình, chùa và đền của làng. Đây là những kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo cổ kính và tôn nghiêm của làng Đồng Kỵ. Một làng Việt cổ xưa mang đậm chất quê tiểu nông đa canh, đa nghề điển hình của xứ Kinh Bắc.

  • Địa chỉ: Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Để lại bình luận

Đã thêm vào giỏ hàng

Scroll
0922.679.889
 0922679889